Cùng Hopdongonline.vn so sánh điểm giống và khác nhau giữa Hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống để biết được những ưu điểm mà hợp đồng điện tử đem lại cho doanh nghiệp như thế nào nhé.
Khái niệm về hợp đồng
Hợp đồng điện tử là gì?
Theo Điều 11, mục 1, Luật mẫu về Thương mại điện tử UNCITRAL 1996: “Hợp đồng điện tử được hiểu là hợp đồng được hình thành thông qua việc sử dụng thông điệp dữ liệu”
Theo Điều 33, Luật giao dịch điện tử của Việt Nam 2005: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”
Vậy từ đó chúng ta có thể hiểu hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Trong đó, thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, gửi đi và được nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
Hợp đồng truyền thống là gì?
Theo quy định Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về khái niệm hợp đồng: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng truyền thống giao kết bằng những phương thức như: Giao dịch bằng văn bản, lời nói hoặc hành động và các hình thức khác do hai bên thỏa thuận. Các giao dịch được ký bằng chữ ký tay. Hai bên tham gia cần trực tiếp gặp mặt, thỏa thuận rồi mới đi đến việc ký hợp đồng.
Điểm giống nhau giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống
Hợp đồng truyền thống và hợp đồng điện tử đều mang đặc điểm chung về sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ với nhau. Khi thực hiện giao kết đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành về chủ thể, hình thức và điều kiện hiệu lực của hợp đồng cùng quy trình giao kết, chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp nếu có.
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 khi ký kết hợp đồng các bên phải tuân thủ các nguyên tắc giao kết là nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng nhưng phải bảo đảm không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội và nguyên tắc bình đẳng, thiện chí, tự nguyện, hợp tác, trung thực.
Điểm khác biệt giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống
Về Căn cứ pháp lý
- Hợp đồng truyền thống được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005.
- Hợp đồng điện tử chịu sự điều chỉnh chung về hợp đồng trong Bộ luật dân sự còn chịu sự điều chỉnh các quy định pháp luật khác về hợp đồng điện tử: Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Về cách thức giao kết
Nếu như hợp đồng truyền thống, hợp đồng giấy cần phải gặp mặt trực tiếp để trao đổi, thương lượng về các điều khoản trên hợp đồng rồi mới đi đến việc ký kết thì hợp đồng điện tử được thực hiện trên môi trường online bằng phương thức điện tử và ký kết bằng chữ ký điện tử, hoàn toàn không cần phải gặp mặt trực tiếp để ký kết.
Về phạm vi áp dụng
Hợp đồng truyền thống có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Riêng hợp đồng điện tử bị hạn chế phạm vi áp dụng đối với văn bản thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, khai tử, hối phiếu, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác cùng các giấy tờ có giá khác.
Về chủ thể tham gia
Hợp đồng truyền thống bao gồm bên bán và bên mua.
Còn đối với hợp đồng điện tử, ngoài sự xuất hiện bên bán và bên mua còn có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ mạng và các cơ quan chứng thực chữ ký điện tử. Bên thứ ba sẽ không tham gia vào quá trình đàm phán, giao kết hay thực hiện hợp đồng điện tử. Bên này chỉ tham gia nhằm hỗ trợ và đảm bảo tính hiệu quả và giá trị pháp lý cho việc giao kết hợp đồng điện tử.
Về nội dung hợp đồng
Hợp đồng truyền thống cần đầy đủ những nội dung: Đối tượng, số lượng, chất lượng, giá, phương thức thanh toán; thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng; phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên.
Bên cạnh những nội dung như hợp đồng truyền thống, hợp đồng điện tử có thêm một số nội dung như sau:
- Các quy định về quyền truy cập, cải chính thông tin điện tử. Ví dụ như việc thu hồi hay hủy một đề nghị giao kết hợp đồng trên mạng Internet.
- Các quy định về chữ ký điện tử hay một cách thức khác như mật khẩu, mã số, … để xác định được các thông tin có giá trị về các chủ thể giao kết hợp đồng.
- Địa chỉ pháp lý (Hợp đồng điện tử còn có địa chỉ email, địa chỉ website, địa chỉ xác định nơi, ngày giờ gửi thông điệp dữ liệu, … Những địa chỉ này có ý nghĩa rất lớn để xác định tính hiện hữu, sự tồn tại thật sự của các bên giao kết hợp đồng với tư cách là chu thể của việc giao kết hợp đồng điện tử.),
- Quy định chi tiết về phương thức thanh toán điện tử. Ví dụ: thanh toán bằng thẻ tín dụng, tiền điện tử, ví điện tử, …(bởi việc thanh toán trong các hợp đồng điện tử cũng thường được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử)